Thương mại điện tử đã trở thành “sợi dây cứu sinh” thời COVID-19 cho các nhà bán lẻ với chi tiêu trực tuyến gia tăng thêm 900 tỉ USD trên toàn cầu trong năm 2020.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, buộc người tiêu dùng trên khắp thế giới phải ở nhà, hầu như mọi thứ từ rau củ quả cho đến vật dụng làm vườn, đều được mua sắm trực tuyến. Theo báo cáo Mastercard Recovery Insights: Commerce E-volution, chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên khắp thế giới trong năm 2020 đã gia tăng thêm khoảng 900 tỉ USD. Nói cách khác, cứ mỗi 5 USD chi tiêu bán lẻ thì thương mại điện tử (TMĐT) chiếm khoảng 1 USD, tăng từ tỷ lệ 1/7 vào năm 2019.
Đối với các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, khả năng bán hàng trực tuyến đã trở thành “sợi dây cứu sinh” khi hoạt động tiêu dùng trực tiếp bị gián đoạn.
Theo báo cáo Recovery Insights mới nhất của Mastercard, khoảng 20-30% khối lượng chuyển dịch sang thương mại số toàn cầu liên quan tới COVID-19 được kỳ vọng sẽ giữ nguyên. Báo cáo này dựa trên số liệu về hoạt động bán hàng tổng hợp và ẩn danh từ mạng lưới của Mastercard và phân tích độc quyền của Viện Kinh tế Mastercard.
Báo cáo đi sâu phân tích ý nghĩa của sự chuyển dịch này theo từng quốc gia và ngành nghề, đối với hàng hoá và dịch vụ, trong phạm vi từng nước và xuyên biên giới. Ông Bricklin Dwyer, Nhà Kinh tế trưởng tại Mastercard kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế Mastercard, cho biết: “Dù bị mắc kẹt ở nhà, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu tiền ở bất cứ đâu nhờ thương mại điện tử. Điều này mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Các quốc gia và công ty đặt ưu tiên cho lĩnh vực số sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả. Phân tích của chúng tôi cho thấy, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ nhất cũng nhận ra lợi ích khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số”.
Mặc dù quá trình chuyển đổi số không diễn ra rộng khắp hay nhất quán do những cách biệt về địa lý, điều kiện kinh tế và hộ gia đình, báo cáo vẫn ghi nhận một vài xu hướng bao quát chính như sau:
Nhóm tiên phong về kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ
Các nền kinh tế như Anh và Hoa Kỳ được số hoá nhiều hơn trước khủng hoảng, thì giờ đây được hưởng lợi nhiều hơn trước làn sóng dịch chuyển sang thương mại số trong nước. Lợi ích này bền vững hơn so với các nước có ít thị phần TMĐT hơn trước khủng hoảng, như Argentina hay Mexico.
Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Châu Âu là những khu vực có sự thúc đẩy triển khai TMĐT mạnh mẽ nhất.
Lợi ích bền vững từ kỹ thuật số cho các cửa hàng bán đồ thiết yếu và giảm giá
Lĩnh vực bán lẻ đồ thiết yếu, vốn có tỷ trọng nhỏ nhất trước khủng hoảng, thì nay lại nhận được nhiều lợi ích nhất khi người tiêu dùng chuyển sang thương mại số. Với việc hình thành thói quen tiêu dùng mới và nền tảng người dùng trước đại dịch còn thấp, Mastercard dự kiến: 70-80% lượng khách chuyển sang mua sắm nhu yếu phẩm qua TMĐT sẽ vẫn lựa chọn hình thức này.
TMĐT quốc tế tăng trưởng 25-30% trong đại dịch
TMĐT quốc tế tăng cả về quy mô doanh số lẫn số lượng quốc gia có đơn đặt hàng. Với vô vàn lựa chọn dễ dàng, tính đến tháng 2/2021, chi tiêu TMĐT quốc tế đã tăng khoảng 25-30% so với tháng 3/2020.
Người tiêu dùng gia tăng sử dụng TMĐT, số các cửa hàng trực tuyến mà họ mua sắm tăng 30%
Phân tích của Mastercard cho thấy, người tiêu dùng trên toàn cầu mua sắm từ số lượng trang web và cửa hàng trực tuyến nhiều hơn trước, phản ánh sự gia tăng về lựa chọn tiêu dùng. Số lượng cửa hàng trực tuyến mà người dân các nước như Ý và Ả Rập Xê-út mua hàng trung bình tăng 33%, theo sau là Nga và Anh.
Tăng tốc chuyển sang thanh toán điện tử ở Hoa Kỳ
Ngay ở các cửa hàng, COVID-19 cũng thúc đẩy sự chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang hình thức thanh toán không chạm.
Theo phân tích của doanh nghiệp này về các hình thức thanh toán tại cửa hàng bán lẻ và nhà hàng truyền thống, lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng thêm 2,5% trước xu hướng hiện nay. Điều này dẫn đến việc tăng tốc chuyển dịch từ tiền mặt sang thanh toán điện tử trong cả năm.
————————
Mevivu – 𝘾𝙪𝙣𝙜 𝙘𝙖̂́𝙥 𝙜𝙞𝙖̉𝙞 𝙥𝙝𝙖́𝙥 𝙥𝙝𝙖̂̀𝙣 𝙢𝙚̂̀𝙢, 𝙩𝙝𝙞𝙚̂́𝙩 𝙠𝙚̂́ app, 𝙬𝙚𝙗𝙨𝙞𝙩𝙚 𝙫𝙖̀ 𝙪̛́𝙣𝙜 𝙙𝙪̣𝙣𝙜 𝙙𝙞 đ𝙤̣̂𝙣𝙜 theo yêu cầu
Hotline: 0934.177.422 – 0707070.444
Email: contact@mevivu.com
Dịch vụ thiết kế app theo yêu cầu